Giá tăng đồng lọt
Bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho biết, công ty có thể chịu lỗ với những dự án đã ký hợp đồng xây dựng với khách hàng bởi giá thép hình đang tăng nhanh.
“Giá thép Việt Ý mác D10 đầu tháng 8 chỉ 11.970 đồng/kg, nhưng tới nay đã lên tới gần 15.000 đồng/kg. Thép Hòa Phát mác D12 đầu tháng 8 có giá 11.555 đồng/kg, giờ lên tới 15.000/kg. Việc tăng này tạo ra một gánh nặng cho công ty chúng tôi, bởi hiện giá cát đã tăng mạnh, giờ tới giá thép thì chủ thầu không thể nào có lời”, bà Linh nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại nhiều quận của TP.HCM cũng cho thấy giá thép tăng nhanh. Một đại lý thép tại đường Võ Văn Ngân (quận 9) cho biết, giá thép đang điều chỉnh bắt đầu từ ngày 12/8, hiện giá bán lẻ thép Hòa Phát và Việt Ý đều xấp xỉ 15.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá này chưa bao gồm công vận chuyển tới công trình xây dựng.
Mức tăng giá cũng diễn ra với loại thép ống, thép gai... Trong đó, thép gai hiện có giá 115.000 đồng/cuộn, tăng gần 20.000 đồng/cuộn so với tháng trước.
“Việc tăng này áp dụng toàn quốc, nhưng khác nhau, dao động từ 10.000 - 14.000 đồng/kg”, ông Lê Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Quang Dũng tại đường Võ Văn Ngân nói.
Trước việc tăng giá này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với đại diện nhiều hãng thép của Việt Nam để tìm hiểu, thì đều được xác nhận là có chuyện điều chỉnh giá thép.
“Tát nước theo mưa”?
Bà Hầu Thị Thiết, ngụ quận 2 (TP.HCM) cho biết, đang chuẩn bị xây nhà, nên đầu tháng 8 có đi khảo sát giá vật liệu xây dựng để căn chỉnh tiền xây nhà. Tuy nhiên, ngày 20/8, bà chính thức đi mua vật liệu xây dựng về tập kết chuẩn bị xây nhà thì “bật ngửa” khi giá thép đã tăng mạnh.
“Giá các mặt hàng thép xây dựng, cát xây dựng tăng cao ngoài dự kiến, chỉ có xi măng là ổn định giá bán. Chính vì vậy, tôi phải căn chỉnh lại chi phí tài chính, bởi nếu giá tăng vậy, số tiền tôi dành xây nhà sẽ thâm hụt rất nhiều”, bà Thiết nói.
Lý giải câu chuyện giá thép tăng mạnh trong tháng 8, giám đốc một siêu thị vật liệu xây dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho biết, là do tăng theo giá thế giới, bởi giá chào bán phôi thép thị trường thế giới tháng 7/2017 tăng khoảng 5 - 10 USD/tấn so với tháng 6/2017. Cụ thể, giá chào phôi thép CFR Đông Á khoảng 410 - 425 USD/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 385 USD/tấn FOB Biển Đen.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Sắt thép xây dựng Quang Thắng cho biết, theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 7/2017, sản lượng sản xuất thép xây dựng ước đạt khoảng 780.000 tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016 và tăng 7% so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 740.000 tấn.
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 7/2017, do tác động của giá phôi thép, thép phế trên thị trường thế giới, giá thép xây dựng tăng phổ biến ở mức 150 - 300 đồng/kg, tùy từng chủng loại, từng thương hiệu thép. Hiện giá bán tại các nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, thuế giá trị gia tăng khoảng 10.000 - 12.300 đồng/kg đối với thép cuộn và khoảng 10.100 - 12.400 đồng/kg đối với thép cây.
“Ngoài ra, thị trường xây dựng Việt Nam cũng bắt đầu vào mùa, nhiều dự án bất động sản lớn được chủ đầu tư động thổ và người dân cũng tiến hành xây dựng nhiều để có nhà mới ăn Tết. Chính vì vậy, giá thép trong nước tăng là chuyện bình thường”, vị lãnh đạo Công ty Quang Thắng cho biết.
Một lý do nữa, theo Công ty Xây dựng Hòa Bình, còn do ảnh hưởng từ nước láng giềng Trung Quốc. Theo đó, giá thép Trung Quốc đang tăng cao bởi ngành thép nước này đang tái cơ cấu, các nhà máy gây ô nhiễm môi trường bị ngưng sản xuất, trong khi nhu cầu thép Trung Quốc tăng cao do đầu tư xây dựng hạ tầng tăng, khiến giá phôi thanh và thép cán nóng thế giới tăng mạnh kể từ tháng 5. Các nguyên liệu thượng nguồn như quặng sắt, than cốc và thép phế cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, đánh giá về việc tăng giá thép những ngày qua, giới phân tích cho rằng, có biểu hiện của việc “tát nước theo mưa” của một vài doanh nghiệp thép và các đại lý.
Nguồn tin: ĐTCK
Bài viết khác