Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt về giá ngay tại “sân nhà” do dư thừa nguồn cung, cùng áp lực bảo hộ phòng tránh gian lận xuất xứ đang ngày càng gia tăng trên thế giới.
Sức ép bảo hộ
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 10 tháng năm nay, lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tăng 2,9% về lượng nhưng giảm 8,9% về kim ngạch và giảm 11,4% về giá so cùng kỳ năm 2018; đạt 5,39 triệu tấn, tương đương 3,49 tỷ USD, với mức giá trung bình đạt 648,2 USD/tấn. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tăng 8,7% về lượng, tăng 6,9% về kim ngạch so tháng 9, nhưng lại giảm 1,7% về giá; so với tháng 10-2018, giảm 18% về lượng, giảm 25,4% về kim ngạch và giảm 9% về giá.
Giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ đạt trung bình dưới 650 USD/tấn, giảm mạnh hơn 12% so cùng kỳ năm 2018. Dấu hiệu này cho thấy, sức ép cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế do áp lực của các hiệp định bảo hộ thương mại đang khiến ngành sắt thép giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hầu hết những bạn hàng quen thuộc của ngành sắt thép như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a hay Ma-lai-xi-a… vẫn bảo đảm sản lượng, nhưng không có đột phá tăng trưởng. Số liệu thống kê của VSA cũng cho thấy, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài của ngành thép trong 10 tháng năm nay đang gặp khó khăn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,95 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 3,9% về lượng so cùng kỳ năm 2018, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 3,9 tỷ USD, giảm 8% về trị giá xuất khẩu.
Xuất khẩu sắt thép sang một số thị trường lớn như Mỹ cũng sụt giảm hơn 42% về lượng và hơn 46% về kim ngạch. Hiện, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm chưa tới 9% tổng sản lượng thép xuất khẩu, trong khi năm 2018, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 15%. Nguyên nhân khiến việc xuất khẩu sụt giảm mạnh so cùng kỳ do ảnh hưởng, tác động của căng thẳng thương mại, mà sản phẩm chính xuất khẩu sang Mỹ là thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (một mặt hàng dễ bị nghi ngờ xuất xứ), chiếm khoảng 80% đến 85%. Nếu Việt Nam không có biện pháp quyết liệt chặn thép của nước ngoài “mượn xuất xứ” để xuất khẩu sang Mỹ, thì tất cả các sản phẩm thép có nguy cơ bị áp thuế rất cao.
Áp lực cạnh tranh
Theo tính toán sơ bộ, tổng năng lực sản xuất ngành thép nước ta đạt khoảng 30 triệu tấn/năm, đứng đầu các nước Đông - Nam Á, tuy nhiên công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 60 đến 65% công suất thiết kế. Đối với thép xây dựng, tổng công suất các nhà máy đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng tiêu thụ vài năm gần đây chỉ dao động quanh mức từ 7 đến 9 triệu tấn. Nhiều chủng loại thép năng lực sản xuất vượt gấp hơn hai lần mức tiêu thụ, khiến các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, đạt khoảng một nửa công suất thiết kế. Theo số liệu của VSA, trong 10 tháng qua, sản xuất thép của các doanh nghiệp (DN) hội viên đạt gần 21 triệu tấn (tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2018), tiêu thụ thép đạt hơn 19 triệu tấn (tăng 6% so cùng kỳ), xuất khẩu gần bốn triệu tấn (giảm 0,6% so cùng kỳ).
Tuy sản xuất trong nước tăng mạnh, nhưng cả nước vẫn nhập khẩu 12 triệu tấn thép, giá trị kim ngạch hơn 8,2 tỷ USD; trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm gần 50% (trị giá hơn 4 tỷ USD). Đáng nói, trong số đó có những loại sản phẩm DN nội đã sản xuất được, thậm chí dư thừa, tồn kho lớn như thép xây dựng, tôn mạ màu, thép cuộn cán nguội,... Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá quặng - nguyên liệu chính chiếm một phần ba chi phí sản xuất, tăng từ 70 USD/tấn (tháng 1-2019), lên 95 USD/tấn (tháng 10-2019) dẫn đến giá bán bị cạnh tranh khốc liệt, làm lợi nhuận của nhiều DN thép sụt giảm mạnh. Điều này cho thấy, thị trường thép trong nước đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí có nguy cơ xảy ra tranh giành thị phần gay gắt ngay trên sân nhà do vừa dư thừa nguồn cung trong nước lẫn áp lực ở thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, mặc dù tiêu thụ có tăng trưởng nhưng lợi nhuận của nhiều DN sản xuất bị sụt giảm đáng kể do tình trạng cung vượt cầu và sự biến động tăng giá của nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá điện tăng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, với lượng thép tồn dư lớn của Trung Quốc bị mắc kẹt quay đầu xuất khẩu sang Việt Nam, sẽ làm cho “miếng bánh” thị phần của các DN ngày càng thu hẹp, gây ra khó khăn với ngành thép trong nước.
Theo nguyên Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa, trước mắt các DN không nên tiếp tục đầu tư các dự án thép không gỉ cán nguội, vì sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất và làm giảm hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng không cấp phép các dự án thép không gỉ mới vào Việt Nam nhằm tránh mất cân đối cung cầu, cũng như tranh chấp thương mại giữa các quốc gia, chỉ nên khuyến khích cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án sản xuất hợp kim và thép chất lượng cao phục vụ chế tạo, công nghiệp đóng tàu, ô-tô,... trong nước đang thiếu hụt. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng “hàng rào kỹ thuật” đối với sản phẩm thép nhập khẩu, có biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở những công nghệ không thích hợp, quy mô nhỏ, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường,...
Về phần DN, cần chủ động tiếp cận công nghệ mới, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến năng lực quản trị DN để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, hạn chế thiệt hại.
Nguồn tin: Nhandan
Bài viết khác