Tự dự báo tăng trưởng thụt lùi
Năm 2017, nhiều doanh nghiệp ngành thép hình đưa ra kế hoạch có phần “bi quan”, tự dự báo tăng trưởng thụt lùi. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC và Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) cùng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2017 giảm một nửa so với thực hiện năm ngoái.
Cụ thể, SMC đưa ra kế hoạch tổng sản lượng tiêu thụ tương đương năm trước ở mức 1.050.000 tấn, trong đó, thép xây dựng là 570.000 tấn, thép tấm lá mạ 380.000 tấn, thép ống hàn 25.000 tấn và thép khác 75.000 tấn. Tổng doanh thu bán hàng 10.550 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và lãi sau thuế 150 tỷ đồng, bằng 41% thực hiện năm 2016.
Đáng chú ý, riêng quý I năm nay, Công ty đã đạt lợi nhuận 105 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông SMC diễn ra ngày 1/4, doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên kế hoạch, không điều chỉnh tăng thêm mục tiêu lợi nhuận.
Tương tự SMC, Tập đoàn Thép Tiến Lên đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11%, lợi nhuận sau thuế hơn 265 tỷ đồng, giảm 43% so với thực hiện năm 2016.
Ngay cả 2 “ông lớn” đứng đầu ngành thép và tôn mạ của thị trường Việt Nam cũng có những kế hoạch rất khiêm tốn. Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đưa ra kế hoạch lợi nhuận giảm 10% so với thực hiện được năm 2016 và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) chỉ “dám” đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm nay lần lượt là 29% và 10%.
Cụ thể, HPG đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2017 đạt 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 6.000 tỷ đồng, trong khi năm ngoái, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận 6.600 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử và tăng 89% so với năm 2015.
Đối với HSG, Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lãi ròng khá thận trọng, với con số lần lượt là 23.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng. Năm ngoái, Công ty tăng trưởng 25% doanh thu và 130% lợi nhuận sau thuế.
Bức tranh giảm “màu hồng”
Nếu như năm 2016, ngành thép ống đã có quãng thời gian “ngọt ngào” nhờ nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, thì sang năm 2017, bức tranh tràn ngập màu hồng đã có thêm mảng màu xám của khó khăn.
Lý giải về việc tại sao đưa ra con số lợi nhuận khiêm tốn và thận trọng, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT SMC cho rằng, kết quả của quý I đạt được như trên là do lợi thế chuẩn bị hàng tồn kho giá hợp lý từ năm 2016.
Nhìn nhận về tương lai ngành thép năm 2017, Chủ tịch SMC đánh giá, lĩnh vực này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi giá thép hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam khó nắm bắt và chủ động được về giá. Bên cạnh đó, giá thép có thể sẽ quay đầu đi xuống trong quý II năm nay, dự báo vào khoảng tháng 5, tháng 6.
“Hiện nay giá thép đang manh nha xu hướng giảm nên việc các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch thận trọng là thỏa đáng”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH nhận định, lợi thế của Công ty trong năm nay là tận dụng nguồn hàng tồn kho giá rẻ để ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn năm 2016.
Riêng quý I/2017, TLH ước đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt tối thiểu 100 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch cả năm đề ra. Tuy nhiên, TLH chủ yếu dựa vào nguồn hàng tồn kho, khi lợi thế này hết và giá thép trên thị trường thế giới quay đầu giảm, doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn.
Trong khi đó, lý giải nguyên nhân đặt kế hoạch khiêm tốn trong năm 2017, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho rằng: “Công ty có truyền thống thận trọng, đưa ra kế hoạch phải sát thực tế và trong khả năng làm được”.
Việc Hòa Phát điều chỉnh kế hoạch doanh thu từ 38.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng cũng xuất phát từ tình hình thị trường, khi kết quả bán hàng 2 tháng đầu năm khả quan hơn. Dự kiến, trong quý I/2017, Công ty đạt lợi nhuận 1.800 tỷ đồng, tương đương gần 30% kế hoạch cả năm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: “Việc hầu hết doanh nghiệp ngành thép đưa ra kế hoạch thận trọng năm 2017 là cần thiết”.
Theo đó, ngành thép đã có một năm 2016 viên mãn với kết quả kinh doanh tốt, thị trường phát triển thăng hoa nhờ được cộng hưởng bởi ba yếu tố là sự phát triển của kinh tế trong nước khiến nhu cầu thép gia tăng mạnh; thị trường thép hộp thế giới phục hồi và việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ đối với 2 sản phẩm phôi thép, thép cán dài.
Năm nay, thị trường vẫn có dư địa tăng trưởng khi ngành bất động sản được dự báo tiếp tục khởi sắc, vốn FDI rót vào khu vực này trong quý I tăng mạnh. Đặc biệt, chủ trương ưu tiên phát triển nhà cho người thu nhập thấp của Chính phủ thúc đẩy việc các chủ đầu tư tập trung xây dựng nhà giá rẻ, gia tăng nhu cầu với mặt hàng thép.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro cho doanh nghiệp ngành này, bởi giá thép cùng giá các nguyên liệu như quặng sắt, thán cốc, thép cán nóng… diễn biến khó lường, không ổn định. Chưa kể, nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, khiến hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng thép gặp nhiều khó khăn hơn.
“Các nhân tố hỗ trợ tích cực, giúp thị trường thép phát triển vẫn còn nhưng không mạnh như năm ngoái, do đó, các doanh nghiệp ngành này có bước đi thận trọng hơn. Ngay cả Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chỉ dự tính mức tăng trưởng 12% năm 2017, so với con số 17% năm ngoái”, ông Sưa cho biết.
Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ đối với các công ty thép là việc phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Thực tế, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam không còn rẻ như trước, tuy nhiên, năm 2017, tình hình dư thừa sản phẩm thép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đáng báo động, do đó, đây vẫn là mối nguy cơ lớn đối với thị trường nội địa.
Chưa kể, một số quốc gia trên thế giới đang sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế cao đối với thép xuất khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, các nước Mỹ, Úc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đối với sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn phủ màu nhập khẩu từ nước ta. Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp trong vụ việc này là Tôn Hoa Sen, Tôn Phương Nam, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á.
Như vậy, áp lực từ bên ngoài, cộng với yếu tố giá có nhiều bất ổn, khiến doanh nghiệp thép Việt phải tính toán những bước đi thận trọng. Trong bối cảnh này, theo ông Sưa, “để lớn và mạnh hơn trên thị trường cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp thép Việt Nam cần biết cách sử dụng công cụ phòng vệ thương mại một cách hiệu quả và tích cực”.
Nguồn tin: ĐTCK
Bài viết khác