Cụ thể, năm 2016 sản lượng xuất khẩu thép hình đạt 3,48 tấn, trị giá 2,03 tỷ USD. Tính trung bình cả năm 2016, giá thép xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 580 USD/tấn, giảm 12% so với năm 2015.
Xuất khẩu thép của Việt Nam chủ yếu sang các quốc gia khu vực ASEAN do nhu cầu lớn về số lượng cũng như không quá khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, xuất khẩu sang khu vực có xu hướng giảm.
Năm 2016, xuất khẩu thép sang khu vực này chỉ đạt 1,81 triệu tấn, giảm 7,3% về lượng và 18% về trị giá so với năm 2015. Tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN năm 2016 là 52%, giảm so với mức 76% của năm 2015.
Xuất khẩu thép các loại năm 2016
Ngược lại với thị trường ASEAN, xuất khẩu thép sang nhiều nước khác lại tăng rất mạnh so với năm 2015: sang Hoa Kỳ đạt 568,5 triệu USD (tăng 328%); sang Hàn Quốc đạt 121,4 triệu USD (tăng 147,7%); sang Đài Loan đạt 33,3 triệu USD (tăng 269,7%), sang Pakistan đạt 37,5 triệu USD (tăng 221,5%). Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường này đã góp phần bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang ASEAN.
Triển vọng cho xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017 là khả quan, khi dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2017 có thể giảm do nhu cầu nội địa đang tăng mạnh để phục vụ các dự án xây dựng cầu đường, thủy điện và giao thông....
Tuy nhiên, xuất khẩu thép vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép giá rẻ từ một số quốc gia, đặc biệt từ Trung Quốc. Sản lượng thép của Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong 25 năm, đạt 803,83 triệu tấn trong năm 2015 (giảm 23% so với năm 2014) nhưng nhu cầu thép của nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn. Do đó, với lượng dư cung thép lớn, Trung Quốc đã buộc nhiều nước sản xuất thép vào thế phải cạnh tranh.
Ngành thép phải đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu và hiện bị áp thuế chống bán phá giá từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Được biết, từ năm 2007 đến nay thép Việt Nam xuất khẩu phải đối mặt với 29 vụ kiện, trong đó, có 18 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 4 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ rất nhiều nước ở khác các châu lục: Hoa Kỳ, Canada, EU, Australia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.
Về nhập khẩu, do ngành thép Việt Nam chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng và các loại thép hợp kim nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu một số lượng rất lớn nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất.
Năm 2016, tổng lượng thép nhập khẩu đạt 18,37 triệu tấn, tăng 18,4% so với năm 2015. Nhập khẩu phôi thép đạt 1,08 triệu tấn, giảm 41,5%. Nhập khẩu thép phế liệu đạt 3,72 triệu tấn, tăng 18,8%. Nhập khẩu thép tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào nửa đầu năm 2016, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Từ giữa năm, tốc độ tăng nhập khẩu thép đã giảm do Chính phủ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Giá thép nhập khẩu năm 2016 đạt trung bình 436,5 USD/ tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến sắp tới, giá nhập khẩu sẽ tăng do giá thế giới đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Nhập khẩu thép năm 2016
Việt Nam nhập khẩu thép chủ yếu từ một số thị trường lớn như Trung Quốc (10,85 triệu tấn với trị giá 4,45 tỷ USD), Nhật Bản (2,64 triệu tấn với trị giá 1,19 tỷ USD), Hàn Quốc (1,8 triệu tấn với trị giá 1 tỷ USD), Đài Loan (1,74 triệu tấn với trị giá 723,9 triệu USD), Nga (0,514 triệu tấn với trị giá 161,25 triệu USD) và một số nước ASEAN, như Thái Lan, Malaysia và Indonesia (0,29 triệu tấn với trị giá 180,8 triệu USD).
Với thị trường Trung Quốc, năm 2016, nhập khẩu thép đạt 10,85 triệu tấn với trị giá 4,45 tỷ USD, tăng 13% về lượng và 6,7% về trị giá so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 59,1% tổng lượng và 55,5% về trị giá nhập khẩu thép của Việt Nam.
Lượng thép nhập khẩu từ Nga đạt tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 14,96% so với năm 2015, đạt 514,5 nghìn tấn. Dự báo, nhập khẩu thép từ thị trường Nga sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới nhờ những ưu đãi về thuế.
Nguồn tin: CafeLand
Bài viết khác