Trong năm 2016, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam đạt 18,4 triệu tấn với tổng kim ngạch 8,02 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc đạt 10,9 triệu tấn với trị giá hơn 4,5 tỷ USD.
Đảo chiều
Chuyển từ lỗ sang lãi là điều mà ban điều hành Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC khá bất ngờ. Năm 2015, SMC lỗ rất lớn, lên đến gần 200 tỷ đồng, xóa sạch những kết quả tăng trưởng của nhiều năm trước đó. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC cho biết, khá nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan đã tác động lên kết quả đáng thất vọng năm 2015. Trong đó nguyên nhân chính là SMC tính toán sai thời điểm nhập khẩu nguyên liệu với giá xuống chậm hơn giá thép thành phẩm. Thép Pomina cũng trong tình trạng tương tự SMC khi không dự báo được thị trường khiến việc kinh doanh liên tục thua lỗ. Nhưng cả SMC lẫn Pomina đã có cuộc đảo chiều ngoạn mục, đều ghi nhận lãi ròng rất cao trong năm 2016, lần lượt là 362 tỷ và 297 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vừa qua bị tác động tiêu cực là bởi ngành thép rất nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu đầu vào. Thông thường giá nguyên liệu giảm là giá thành phẩm biến động cùng chiều, tuy nhiên tại Việt Nam, do các doanh nghiệp tích lũy nguyên liệu ở thời điểm giá cao, nên khi giá thành phẩm giảm đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Việc giá thép rớt nhanh tại thị trường nội địa còn do thép thành phẩm nhập khẩu tràn ngập thị trường, đặc biệt đến từ nguồn cung giá rẻ của Trung Quốc.
Vẫn có rủi ro thép giá rẻ từ Trung Quốc dù có thuế chống bán phá giá. Biến thép xây dựng thành thép hợp kim là đủ lách thuế
Thế nhưng đến năm 2016, mọi chuyện đã khác. Các doanh nghiệp ngành thép đã lấy lại sự phục hồi, thậm chí lãi rất lớn. Theo ông Sưa, có khá nhiều yếu tố làm bệ đỡ cho điều này. Trước hết, thị trường bất động sản đang phát triển tốt dẫn đến gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép. Thêm vào đó, chu kỳ đầu tư công quay trở lại, thúc đẩy nhu cầu đối với thép xây dựng.
Thứ hai, giá thép tăng nhờ vào giá nguyên liệu tăng trở lại. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng lợi lớn từ đây do đã dự trữ được nguyên liệu ở mức giá thấp từ trước đó. Chẳng hạn như Thép Tiến Lên, năm 2015 lỗ 170 tỷ đồng, nhưng đã có mức lãi lên đến 457 tỷ đồng trong năm 2016. Thép Việt Ý cũng có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục khi năm 2016 lãi tới 73 tỷ đồng so với mức lỗ ròng 52 tỷ đồng chỉ một năm trước đó.
Và cuối cùng là quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 4,02% đến 38,34% với một số sản phẩm thép Trung Quốc, hạn chế đáng kể sức cạnh tranh của thép nhập khẩu từ quốc gia này, tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp nội địa tăng thị phần và sản lượng tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng từ sự biến động này của ngành. Hòa Phát và Hoa Sen là hai ví dụ. Không thể phủ nhận, họ cũng hưởng lợi từ đà tăng của giá thép, nhưng chính cách đầu tư bài bản từ công nghệ, quy trình sản xuất khép kín cho đến cách tiếp cận đúng phân khúc sản phẩm đã giúp hai doanh nghiệp này tăng trưởng nhanh và bền vững, kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn. Tính đến hết năm 2016, lãi ròng của Hòa Phát và Hoa Sen lần lượt là 6.602 tỷ và 1.504 tỷ đồng.
Chưa thể yên tâm
Mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận, thị trường thép vẫn tiếp tục thuận lợi từ đây cho đến năm 2018, do bệ đỡ tốt đến từ thị trường bất động sản. Nhưng Hòa Phát vẫn cẩn trọng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2017 ở mức 6.000 tỷ đồng, ít hơn 600 tỷ đồng so với năm 2016.
Sự cẩn trọng của Hòa Phát là có lý do. Theo ông Sưa, thị trường vẫn chịu rủi ro với thép giá rẻ từ Trung Quốc. Mặc dù có thuế chống bán phá giá, nhưng việc Trung Quốc gian lận thương mại không quá khó, chỉ cần thêm một vài hợp chất để biến thép xây dựng thành thép hợp kim là đủ để lách thuế và lại mở ra cơ hội cho thép giá rẻ của Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam.
Còn theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu VietinbankSc, năm 2017, giá thép Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào giá nguyên liệu và bán thành phẩm trên thế giới. Ngoài ra, giá thép còn phụ thuộc vào nhà sản xuất Trung Quốc muốn có lợi nhuận đến mức nào, cũng như sự phục hồi kinh tế thế giới, do đó giá thép khó giảm sâu, nhưng không có cơ sở tăng quá mạnh.
Mặt khác, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các cam kết cho phép áp thuế thép nhập khẩu ở mức 0,69 – 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo, nên sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn. Chẳng hạn, không chỉ có thép Trung Quốc giá rẻ mà cả thép Nga sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Nga đứng thứ 5 thế giới về sản xuất thép toàn cầu với lợi thế chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, công nghệ cao. Hiện thép từ Nga nhập vào Việt Nam chủ yếu là một số loại thép trong nước chưa sản xuất được, nhưng trong tương lai, không loại trừ khả năng thép xây dựng cũng sẽ hiện diện tại Việt Nam, “đe dọa” doanh nghiệp Việt vốn chỉ có thế mạnh ở phân khúc sản phẩm này.
Ngành thép Việt Nam đang mất cân đối về phân khúc sản phẩm. Các doanh nghiệp nội địa đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu thép cán nguội, ống thép, tôn mạ và đang dư thừa các loại thép phục vụ xây dựng như thép thanh, thép cuộn, thép hình. Nhưng các loại thép chất lượng cao, thép hợp kim, thép tấm cán nóng, thép mạ kim loại phục vụ cho cơ khí chế tạo, công nghiệp đóng tàu thay thế nhập khẩu hầu như vẫn vắng bóng.
Theo ông Sưa, doanh nghiệp thép nên tổ chức quy trình sản xuất khép kín, tối ưu hóa quy mô sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, nên tập trung đầu tư vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, hiện vẫn còn đang phải nhập khẩu như: phôi dẹt, thép cuộn cán nóng hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo.
Nguồn tin: Vfpress
Bài viết khác