Chiều 13-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về dự án đầu tư Nhà máy Thép Việt Pháp của Công ty TNHH Thép Việt Pháp (gọi tắt là Công ty Việt Pháp) tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Khu vực thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam dự định đặt nhà máy thép ngàn tỉ
Sử dụng công nghệ Trung Quốc
Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, ngày 28-9, sở tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án trên và mời một số chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường tham gia. 9 thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện.
Bà Hạnh khẳng định lượng nước sử dụng của nhà máy chưa đầy 20 m3/ngày, nước thải sản xuất không thải ra môi trường. Xỉ thép nhà máy thải ra không nhiều và xỉ thải không thuộc vào thành phần chất độc nguy hại.
TS Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng ĐTM dự án Nhà máy Luyện cán thép Việt Pháp, cho biết hội đồng đã thực hiện theo đúng quy định. Theo ông Thạch, người dân hạ du lo lắng là hoàn toàn đúng nhưng “lo lắng phải có cơ sở”. Dự án nào mà chẳng gây ảnh hưởng môi trường. Vấn đề là nên xem xét dự án đó ảnh hưởng đến môi trường nằm trong giới hạn cho phép hay không.
Với công nghệ hiện tại, đo đạc thực tế thì nhà máy thép Việt Pháp bảo đảm theo các tiêu chuẩn của nhà nước. Nhà máy dự tính sử dụng công nghệ của Trung Quốc, ở mức trung bình khá của thế giới.
Né câu hỏi về trách nhiệm
Khẳng định nhà máy thép không gây ô nhiễm nguồn nước nhưng khi nhiều phóng viên đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sau này nhà máy gây ô nhiễm thì không có người nào đại diện phía chính quyền và nhà máy trả lời.
Khi phóng viên đặt giả định chính quyền TP Đà Nẵng không đồng ý về dự án này, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết 2 địa phương như “anh em”, có nghị quyết chung, trong một số vấn đề có tham khảo với nhau.
Bà Võ Thị Ngọc, đại diện Công ty Việt Pháp, cho rằng nhà máy sắp xây dựng ở Thạnh Mỹ sẽ có thiết bị tiên tiến hơn.
Được hỏi vì sao một nhà máy lớn như vậy nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng/năm, bà Ngọc cho biết đó là thời điểm công ty rơi vào khủng hoảng do không cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc nhưng với tiềm lực lớn từ gia đình, hiện công ty bà đã gượng dậy. Bà Ngọc khẳng định công ty nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khẳng định ban đầu huyện cũng băn khoăn nhưng sau khi nghe phía công ty giải thích, lãnh đạo huyện đồng ý chủ trương cho xây nhà máy thép.
Bài viết khác